TRƯỜNG ĐẠI HỌC LUẬT TPHCM

TRUNG TÂM SỞ HỮU TRÍ TUỆ

  Lượt xem: 201

ĐIỀU KIỆN ĐỂ CÁ NHÂN HÀNH NGHỀ ĐẠI DIỆN SỞ HỮU CÔNG NGHIỆP Ở VIỆT NAM

Dịch vụ đại diện sở hữu công nghiệp là gì?

Theo khoản 2 Điều 151 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 (sửa đổi, bổ sung 2009, 2019, 2022), đại diện sở hữu công nghiệp gồm tổ chức dịch vụ đại diện sở hữu công nghiệp và người đại diện sở hữu công nghiệp (cá nhân hành nghề đại diện sở hữu công nghiệp trong tổ chức đó). 

Phạm vi hoạt động của dịch vụ đại diện sở hữu công nghiệp hiện được quy định tại khoản 1 Điều 151 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 (sửa đổi, bổ sung 2009, 2019, 2022), bao gồm:

- Đại diện cho tổ chức, cá nhân trước cơ quan nhà nước có thẩm quyền về xác lập và bảo vệ quyền sở hữu công nghiệp;

- Tư vấn về vấn đề liên quan đến thủ tục xác lập và bảo vệ quyền sở hữu công nghiệp;

- Các dịch vụ khác liên quan đến thủ tục xác lập và bảo vệ quyền sở hữu công nghiệp.

Với lần sửa đổi mới nhất vào năm 2022, Luật Sở hữu trí tuệ đã siết chặt các điều kiện hành nghề đại diện sở hữu công nghiệp áp dụng cho cá nhân. Phần dưới đây sẽ làm rõ các quy định hữu ích cần nắm đối với những ai đang có dự định trở thành người đại diện sở hữu công nghiệp.

Điều kiện để cá nhân được phép hành nghề dịch vụ đại diện sở hữu công nghiệp ở Việt Nam?

Theo khoản 1 Điều 155 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 (sửa đổi, bổ sung 2009, 2019, 2022), cá nhân được phép hành nghề dịch vụ đại diện sở hữu công nghiệp phải đáp ứng đồng thời hai điều kiện sau đây:

- Có Chứng chỉ hành nghề dịch vụ đại diện sở hữu công nghiệp;

- Hoạt động cho một tổ chức dịch vụ đại diện sở hữu công nghiệp.

Điều kiện để cá nhân được cấp Chứng chỉ hành nghề dịch vụ đại diện sở hữu công nghiệp?

Như đã phân tích trên, đại diện sở hữu công nghiệp là ngành nghề đòi hỏi phải được cấp phép hành nghề (bởi Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam - Bộ Khoa học & Công nghệ). Việc cấp phép hành nghề thể hiện bằng hình thức cấp Chứng chỉ hành nghề đại diện sở hữu công nghiệp. Vậy theo pháp luật  Việt Nam, cá nhân muốn được cấp Chứng chỉ hành nghề này phải thoả mãn các điều kiện nào?

  • Đối với cá nhân không phải là luật sư

Theo khoản 2 Điều 155 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 (sửa đổi, bổ sung 2009, 2019, 2022), đối với cá nhân không phải là luật sư được phép hành nghề theo Luật Luật sư, thì phải đáp ứng các điều kiện sau đây thì được cấp Chứng chỉ hành nghề dịch vụ đại diện sở hữu công nghiệp:

- Là công dân Việt Nam, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ;

- Thường trú tại Việt Nam;

- Có bằng cử nhân hoặc văn bằng trình độ tương đương đối với trường hợp hành nghề trong lĩnh vực nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý, tên thương mại, chống cạnh tranh không lành mạnh, bí mật kinh doanh; có bằng cử nhân hoặc văn bằng trình độ tương đương chuyên ngành khoa học tự nhiên hoặc khoa học kỹ thuật đối với trường hợp hành nghề trong lĩnh vực sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí;

*LƯU Ý: Theo quy định mới của Luật Sở hữu trí tuệ hiện hành, có sự phân định rõ ràng về phạm vi lĩnh vực đại diện sở hữu công nghiệp, theo đó:

  • Đối với người muốn hành nghề đại diện sở hữu công nghiệp trong lĩnh vực nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý, tên thương mại, chống cạnh tranh không lành mạnh, bí mật kinh doanh chỉ cần có bằng cử nhân hoặc văn bằng trình độ tương đương;

  • Đối với người muốn hành nghề đại diện sở hữu công nghiệp trong lĩnh vực sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí bắt buộc phải có bằng cử nhân hoặc văn bằng trình độ tương đương chuyên ngành khoa học tự nhiên hoặc khoa học kỹ thuật.

Mẫu Chứng chỉ hành nghề dịch vụ đại diện sở hữu công nghiệp theo quy định mới đã bổ sung mục “Lĩnh vực hành nghề”
(Mẫu số 03 Phụ lục V ban hành kèm theo Nghị định số 65/2023/NĐ-CP ngày 23 tháng 8 năm 2023 của Chính phủ)

- Đã trực tiếp làm công tác pháp luật về sở hữu công nghiệp từ năm năm trở lên hoặc đã trực tiếp làm công tác thẩm định các loại đơn đăng ký sở hữu công nghiệp tại cơ quan quốc gia hoặc quốc tế về sở hữu công nghiệp từ năm năm trở lên hoặc đã tốt nghiệp khóa đào tạo pháp luật về sở hữu công nghiệp được cơ quan có thẩm quyền (Bộ Khoa học & Công nghệ) công nhận;

- Không phải là công chức, viên chức, người lao động đang làm việc tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác lập và bảo vệ quyền sở hữu công nghiệp;

- Đã đạt yêu cầu tại kỳ kiểm tra về nghiệp vụ đại diện sở hữu công nghiệp do cơ quan có thẩm quyền (Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam) tổ chức.

  • Đối với cá nhân là luật sư

Theo quy định mới được bổ sung của Luật Sở hữu trí tuệ (lần sửa đổi 2022) thì đối với công dân Việt Nam là luật sư được phép hành nghề theo quy định của Luật Luật sư, thường trú tại Việt Nam thì được cấp Chứng chỉ hành nghề dịch vụ đại diện sở hữu công nghiệp trong lĩnh vực nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý, tên thương mại, chống cạnh tranh không lành mạnh, bí mật kinh doanh nếu đã tốt nghiệp khóa đào tạo pháp luật về sở hữu công nghiệp được cơ quan có thẩm quyền (Bộ Khoa học & Công nghệ) công nhận (khoản 2a Điều 155 Luật Sở hữu trí tuệ).

Như vậy, nếu đã là luật sư có quốc tịch Việt Nam thì không cần trải qua kỳ kiểm tra về nghiệp vụ đại diện sở hữu công nghiệp do Cục Sở hữu trí tuệ tổ chức mà chỉ cần tốt nghiệp khóa đào tạo pháp luật về sở hữu công nghiệp được Bộ Khoa học và Công nghệ công nhận là đủ điều kiện để làm thủ tục cấp phép hành nghề dịch vụ đại diện sở hữu công nghiệp trong lĩnh vực nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý, tên thương mại, chống cạnh tranh không lành mạnh, bí mật kinh doanh.
*LƯU Ý: Đối với Luật sư muốn hành nghề đại diện sở hữu công nghiệp trong lĩnh vực sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí thì phải đáp ứng điều kiện về văn bằng đúng chuyên ngành (có bằng cử nhân hoặc văn bằng trình độ tương đương chuyên ngành khoa học tự nhiên hoặc khoa học kỹ thuật) và bắt buộc phải tham gia kỳ kiểm tra về nghiệp vụ đại diện sở hữu công nghiệp do Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam tổ chức.

Các khóa đào tạo pháp luật về sở hữu công nghiệp nào được công nhận ở Việt Nam hiện nay?

Tiêu chuẩn chung được áp dụng cho chương trình đào tạo pháp luật về sở hữu công nghiệp được quy định tại khoản 1 Điều 62 Nghị định 65/2023/NĐ-CP như sau:

- Phải đảm bảo cung cấp cho người học các kiến thức, kỹ năng vận dụng pháp luật sở hữu công nghiệp cần thiết để giải quyết các vấn đề cụ thể liên quan đến bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp;

- Thời lượng tối thiểu là 20 đơn vị học trình hoặc 18 tín chỉ;

- Có ít nhất 40% thời lượng đào tạo thực hành, thực tập nghề nghiệp hoặc thực tập tốt nghiệp.

Dựa trên các tiêu chí này, Bộ Khoa học và Công nghệ xây dựng chương trình khung đào tạo pháp luật về sở hữu công nghiệp. Và các khóa đào tạo pháp luật về sở hữu công nghiệp được giảng dạy theo chương trình khung này được Bộ Khoa học và Công nghệ công nhận.

Hiện nay Khoá “ĐÀO TẠO CHUYÊN SÂU VỀ SỞ HỮU TRÍ TUỆ” do Trường Đại học Luật TP.HCM phối hợp với Cục Sở hữu trí tuệ tổ chức tại Thành phố Hồ Chí Minh và tại Hà Nội là một trong những khoá đào tạo được Bộ Khoa học và Công nghệ công nhận. Do đó, chứng chỉ hoàn thành khoá đào tạo này đủ điều kiện để phục vụ cho việc cấp Chứng chỉ hành nghề dịch vụ sở hữu công nghiệp cũng như việc tham dự kỳ kiểm tra về nghiệp vụ đại diện sở hữu công nghiệp theo Điều 155 Luật Sở hữu trí tuệ hiện hành.

Thông tin liên hệ đăng ký tham gia khoá đào tạo, xem TẠI ĐÂY

Điều kiện để cá nhân được dự kỳ kiểm tra về nghiệp vụ đại diện sở hữu công nghiệp?

Theo quy định hiện hành, Cục Sở hữu trí tuệ sẽ tổ chức kỳ kiểm tra nghiệp vụ đại diện sở hữu công nghiệp định kỳ 02 năm/lần. Kế hoạch tổ chức kỳ kiểm tra nghiệp vụ đại diện sở hữu công nghiệp phải được công bố trên cổng thông tin điện tử của Cục Sở hữu trí tuệ, tại miền: https://ipvietnam.gov.vn/web/guest/thong-bao (Mục THÔNG BÁO)

*LƯU Ý: Kết quả kiểm tra của cá nhân “đạt yêu cầu” có giá trị trong thời hạn 05 năm (kể từ ngày ra thông báo kết quả kiểm tra) cho việc đề nghị Cục Sở hữu trí tuệ cấp Chứng chỉ hành nghề dịch vụ đại diện sở hữu công nghiệp.

Cá nhân đáp ứng đủ các điều kiện quy định tại các điểm từ a đến đ khoản 2 Điều 155 của Luật Sở hữu trí tuệ (cũng là các điều kiện để được cấp chứng chỉ hành nghề đại diện sở hữu công nghiệp) được đăng ký dự kiểm tra nghiệp vụ đại diện sở hữu công nghiệp bằng cách nộp bộ hồ sơ bên dưới đây cho Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam.

Hồ sơ dự kỳ kiểm tra nghiệp vụ đại diện sở hữu công nghiệp gồm những tài liệu nào?

  1. Tờ khai đăng ký dự kiểm tra, làm theo Mẫu số 01 tại Phụ lục V của kèm theo Nghị định số 65/2023/NĐ-CP ngày 23 tháng 8 năm 2023 của Chính phủ (Xem hình bên dưới)

Tải về Tờ khai đăng ký dự kiểm tra nghiệp vụ đại diện sở hữu công nghiệp, TẠI ĐÂY

  1. Bản sao bằng cử nhân hoặc văn bằng trình độ tương đương (chứng thực);

  2. Bản sao giấy chứng nhận tốt nghiệp khóa đào tạo pháp luật về sở hữu công nghiệp (chứng thực); hoặc
    Bản sao quyết định tuyển dụng hoặc hợp đồng lao động và tài liệu khác (có xác nhận của cơ quan, tổ chức nơi công tác) chứng minh thời gian ít nhất 05 năm trực tiếp làm công tác thẩm định đơn đăng ký sở hữu công nghiệp tại cơ quan quốc gia hoặc quốc tế về sở hữu công nghiệp hoặc công tác pháp luật về sở hữu công nghiệp quy định, bao gồm công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm sát, xét xử, pháp chế, tư vấn pháp luật, quản lý nhà nước về sở hữu công nghiệp; nghiên cứu khoa học (có chức danh nghiên cứu viên) và giảng dạy về sở hữu công nghiệp (chứng thực);

  3. 02 ảnh 3x4 (cm);

  4. Bản sao chứng từ nộp phí, lệ phí (trường hợp nộp phí, lệ phí qua dịch vụ bưu chính hoặc nộp trực tiếp vào tài khoản của cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp).

*LƯU Ý: Đối với các đầu tài liệu nêu tại mục 1, 2, 3 ở trên, nếu bản sao không được chứng thực thì phải xuất trình bản chính cho Cục Sở hữu trí tuệ để đối chiếu.

 

 

© Tuyên bố về quyền sở hữu trí tuệ:
Bản quyền bài viết thuộc về Trung tâm Sở hữu trí tuệ - Trường Đại học Luật TP.HCM.
Khi sử dụng, đăng tải lại thông tin dưới bất kỳ hình thức nào đề nghị ghi rõ nguồn "Website Trung tâm Sở hữu trí tuệ - Trường Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh" hoặc "Cổng thông tin điện tử/TTĐT Trung tâm Sở hữu trí tuệ - Trường Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh".