TRƯỜNG ĐẠI HỌC LUẬT TPHCM

TRUNG TÂM SỞ HỮU TRÍ TUỆ

  Lượt xem: 86

Cục Sở hữu trí tuệ phát hành Báo cáo thường niên hoạt động sở hữu trí tuệ năm 2023

Theo Cục Sở hữu trí tuệ, trong năm vừa qua, công tác xác lập quyền sở hữu công nghiệp có nhiều tín hiệu tích cực. Cục Sở hữu trí tuệ tiếp nhận 156.413 đơn các loại (tăng 11% so với năm 2022); xử lý 125.778 đơn các loại, trong đó có: 74.130 đơn đăng ký xác lập quyền sở hữu công nghiệp (tăng 13,2% so với năm 2022) và 51.648 đơn/yêu cầu khác (tăng 6,6%).

Năm 2023, nền kinh tế thế giới tiếp tục gặp nhiều khó khăn, thách thức khi lạm phát ở mức cao, nhiều nền kinh tế lớn duy trì chính sách tiền tệ thắt chặt, lãi suất cao; thương mại, tiêu dùng và đầu tư toàn cầu tiếp tục suy giảm; hàng rào bảo hộ, phòng vệ thương mại gia tăng... ảnh hưởng đến các hoạt động xuất, nhập khẩu. Bối cảnh đó đã ảnh hưởng đến Việt Nam và đem lại cả cơ hội lẫn thách thức. Do đó, bên cạnh việc xử lý các tác động, thách thức từ bối cảnh quốc tế, chúng ta cũng phải nỗ lực tháo gỡ những vấn đề tồn đọng, tích tụ trong nền kinh tế, đồng thời giữ vững ổn định và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế vĩ mô. Tăng trưởng GDP năm 2023 đạt 5,05% - thấp hơn so với mục tiêu Quốc hội đề ra từ đầu năm là 6,5%; tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa ước đạt 683 tỷ USD, giảm 6,6% so với năm trước; tổng số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường là 172.578 doanh nghiệp, tăng 20,5% so với cùng kỳ năm 2022 - cao nhất kể từ năm 2017 đến nay [1]. Tuy nhiên, nền kinh tế Việt Nam cũng có một số điểm sáng, đáng ghi nhận là tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công tăng 21,2% so với năm trước; thu hút FDI vẫn ổn định trong bối cảnh bất ổn toàn cầu; số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới tăng 7,2% - gấp 1,2 lần mức bình quân giao đoạn 2017 - 2022 và tăng 4,6% so với ước thực hiện cả năm 2023; chỉ số CPI và lạm phát cơ bản thấp hơn so với mục tiêu chính sách.

Những kết quả đó đã tiếp tục thúc đẩy việc hiện thực hóa các mục tiêu đặt ra trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2030, Chiến lược phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đến năm 2030, Chiến lược sở hữu trí tuệ đến năm 2030. Dưới sự chỉ đạo của Bộ Khoa học và Công nghệ, Cục Sở hữu trí tuệ (SHTT) đã tập trung phát huy tinh thần chủ động, sáng tạo, khắc phục khó khăn để đạt được những kết quả đáng khích lệ trên tất cả các lĩnh vực hoạt động.

Các văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật SHTT đã được ban hành với tinh thần đơn giản hóa, rút gọn các thủ tục hành chính, đẩy mạnh việc tiếp nhận, xử lý, trả kết quả trực tuyến đối với các đơn sở hữu công nghiệp. Hoạt động đàm phán, ký kết, tham gia các điều ước quốc tế về/liên quan đến SHTT với nhiều đối tác lớn; hoạt động trao đổi đoàn các cấp đã được triển khai mạnh mẽ và chủ động ở cả phạm vi song phương và đa phương.

Công tác xác lập quyền sở hữu công nghiệp có nhiều tín hiệu tích cực. Cục SHTT tiếp nhận 156.413 đơn các loại (tăng 11% so với năm 2022); xử lý 125.778 đơn các loại, trong đó có: 74.130 đơn đăng ký xác lập quyền sở hữu công nghiệp (tăng 13,2% so với năm 2022) và 51.648 đơn/yêu cầu khác (tăng 6,6%).

Công tác thông tin sở hữu công nghiệp được đẩy mạnh với mục tiêu cung cấp thông tin phục vụ các nhà quản lý, doanh nghiệp và công chúng đồng thời tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin nhằm cải tiến dịch vụ, phục vụ khai thác thông tin sở hữu công nghiệp ngày càng tốt hơn. Hoạt động nghiên cứu khoa học, đào tạo, tuyên truyền, phổ biến kiến thức về SHTT tiếp tục được triển khai dưới nhiều hình thức đa dạng, bài bản và có chiều sâu, đáp ứng ngày một tốt hơn nhu cầu trang bị kiến thức, thông tin SHTT của các nhóm chủ thể khác nhau trong xã hội, đặc biệt là hướng tới thế hệ trẻ. Công tác hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ tiếp tục được chú trọng nhằm thực hiện tốt các mục tiêu đề ra trong Chiến lược Sở hữu trí tuệ quốc gia và Chương trình phát triển tài sản trí tuệ giai đoạn đến năm 2030. Cục SHTT đã phát huy tốt vai trò đầu tàu trong hướng dẫn, hỗ trợ các địa phương xây dựng, ban hành và triển khai các cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ cho các sản phẩm đặc thù, chủ lực của địa phương.

Để thích ứng tốt với những thay đổi trong chính sách vĩ mô, Cục SHTT sẽ tập trung triển khai một số nhiệm vụ trọng tâm bao gồm: Tiếp tục kiện toàn cơ cấu tổ chức, cơ chế tài chính của Cục; Tiếp tục triển khai có hiệu quả hơn các giải pháp đẩy nhanh tiến trình xử lý đơn sở hữu công nghiệp; Tổ chức triển khai có hiệu quả Chiến lược sở hữu trí tuệ đến năm 2030 và Chương trình phát triển tài sản trí tuệ đến năm 2030; tích cực, chủ động tham gia các hoạt động hội nhập và hợp tác quốc tế, thi hành có hiệu quả nội dung SHTT trong các Hiệp định thương mại quốc tế; Hoàn thành Dự án hiện đại hóa hệ thống công nghệ thông tin; xây dựng và đưa vào vận hành hệ thống dịch vụ công trực tuyến mức 4; đảm bảo hạ tầng công nghệ thông tin vận hành ổn định, tạo lập các cơ sở dữ liệu đầy đủ, tin cậy để phục vụ công tác thẩm định đơn đăng ký sở hữu công nghiệp và nhu cầu tra cứu thông tin của xã hội.

Cục SHTT tin tưởng, với sự chỉ đạo sát sao của Lãnh đạo Bộ Khoa học và Công nghệ, sự phối hợp, thống nhất trong Đảng ủy, Lãnh đạo Cục và các tổ chức chính trị - xã hội của Cục, sự quyết tâm, đoàn kết, nỗ lực, tuân thủ kỷ luật, kỷ cương vì mục tiêu chung của tập thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, Cục sẽ đạt được các mục tiêu đề ra trong năm 2024, phát huy tốt vai trò hạt nhân của Cục trong hệ thống SHTT quốc gia, góp phần thúc đẩy sự phát triển khoa học - công nghệ, đổi mới - sáng tạo và kinh tế - xã hội của đất nước./.

Nguồn: Cổng TTĐT Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam

Tải về Ebook (PDF), TẠI ĐÂY