TRƯỜNG ĐẠI HỌC LUẬT TPHCM

VIỆN SHTT, KHỞI NGHIỆP & ĐỔI MỚI SÁNG TẠO

  Lượt xem: 23

TỌA ĐÀM “THÚC ĐẨY PHÁT TRIỂN TÀI SẢN TRÍ TUỆ, HOẠT ĐỘNG KHỞI NGHIỆP VÀ ĐỔI MỚI SÁNG TẠO TRONG CÁC CƠ SỞ ĐÀO TẠO ĐẠI HỌC VÀ PHỤC VỤ CỘNG ĐỒNG”

Trong khuôn khổ Lễ ra mắt Viện Sở hữu trí tuệ, Khởi nghiệp và Đổi mới sáng tạo, nhằm tạo diễn đàn trao đổi kinh nghiệm, mở ra những cơ hội hợp tác thiết thực, góp phần giúp hệ sinh thái khởi nghiệp trong các trường đại học ngày càng phát triển mạnh mẽ và toàn diện hơn, vào ngày 15/11/2024, Viện Sở hữu trí tuệ, Khởi nghiệp và Đổi mới sáng tạo đã tổ chức tọa đàm “Thúc đẩy phát triển tài sản trí tuệ, hoạt động khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo trong các cơ sở đào tạo đại học và phục vụ cộng đồng”.

Tham dự buổi tọa đàm có sự góp mặt của: TS. Trần Lê Hồng - Phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam; ThS. Lê Vinh Thiên Trang - Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Khánh Hoà; TS. Phạm Thị Hồng Phượng - Cố vấn cấp cao Trung tâm Đổi mới sáng tạo, Khởi nghiệp và Chuyển giao công nghệ Trường ĐH Công Nghiệp TP. HCM, Trưởng làng công nghệ Ecotech (thuộc Techfest Quốc Gia); ThS. Nguyễn Minh Hiếu - Phó Giám đốc Trung tâm Khởi nghiệp sáng tạo TP. HCM Saigon Innovation Hub; PGS.TS. Lê Thị Nam Giang - Viện trưởng Viện Sở hữu trí tuệ, Khởi nghiệp và Đổi mới sáng tạo Trường ĐH Luật TP. HCM.

TS. Phạm Thị Hồng Phượng - Trưởng làng công nghệ Ecotech (thuộc Techfest Quốc Gia) khẳng định chia sẻ về hoạt động khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo trong các trường đại học

Chia sẻ ở phần đầu tiên của toạ đàm về chủ đề “Hoạt động khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo trong các trường đại học”, TS. Phạm Thị Hồng Phượng cho biết: Một dự án để thực hiện thành công cần phải xác định những giải pháp cần thiết cho xã hội, tìm kiếm cộng sự để hỗ trợ các lĩnh vực khác nhau của dự án và đừng chỉ dừng lại ở những nghiên cứu khoa học gác trên kệ sách mà hãy biến những thách thức thành cơ hội. PGS.TS. Lê Thị Nam Giang đặt ra yêu cầu nghiên cứu khoa học liên ngành, liên lĩnh vực để tìm ra những thách thức của sinh viên khi khởi nghiệp, từ đó đưa ra các giải pháp tạo điều kiện để sinh viên khởi nghiệp hiệu quả và chất lượng.

ThS. Nguyễn Minh Hiếu - Phó Giám đốc Trung tâm Khởi nghiệp sáng tạo TP. HCM Saigon Innovation Hub chia sẻ về các chính sách hỗ trợ cho các dự án khởi nghiệp sáng tạo

Phần thứ hai của toạ đàm đề cập đến “Chính sách hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ, khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo trong các trường Đại học”. Theo đó, chính sách hỗ trợ khởi nghiệp tại TP. HCM có tầm ảnh hưởng lớn đến hoạt động khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo tại các cơ sở đào tạo Đại học. Theo Nghị quyết 20/2023 NQ-HĐND về chính sách hỗ trợ không hoàn lại đối với các dự án khởi nghiệp sáng tạo, có 3 nhóm chính sách hỗ trợ cho dự án khởi nghiệp tuỳ vào các giai đoạn: tiền ươm tạo, ươm tạo và tăng tốc. Đối với các bạn sinh viên ngành Luật nói riêng, ThS. Nguyễn Minh Hiếu - Phó Giám đốc Trung tâm Khởi nghiệp sáng tạo TP. HCM Saigon Innovation Hub đã chia sẻ về những cơ hội, khả năng khởi nghiệp dịch vụ hỗ trợ pháp lý trực tuyến, đặc biệt trong thời đại công nghệ phát triển và nhu cầu về dịch vụ pháp lý trực tuyến của người dân và doanh nghiệp ngày một tăng cao.

TS. Trần Lê Hồng - Phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ chia sẻ những tác động của chính sách Nhà nước về sở hữu trí tuệ, khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo.

ThS. Lê Vinh Liên Trang - Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Khánh Hoà nhấn mạnh việc nghiên cứu đề ra phải hướng đến phục vụ cộng đồng

Tiếp nối buổi tọa đàm là chủ đề “Hợp tác và Kết nối trong Hoạt động Sở hữu trí tuệ, Khởi nghiệp và Đổi mới sáng tạo”. Giữa Nhà trường và xã hội có nhu cầu hợp tác rất lớn trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ và đổi mới sáng tạo. Điều này góp phần giải quyết đầu ra cho các gói chính sách hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, đồng thời tiếp sức cho các nhóm startup từ các trường Đại học. Chia sẻ về nhu cầu hợp tác thực tế từ các địa phương với các trường Đại học và các chương trình, hoạt động khởi nghiệp của Nhà trường, ThS. Lê Vinh Liên Trang nhấn mạnh sự cần thiết phải phát triển theo hướng nghiên cứu ứng dụng, nghiên cứu đa ngành, đa lĩnh vực, dự án đề ra phải hướng đến phục vụ cộng đồng.

Các khách mời thảo luận sôi nổi về những vấn đề trên thực tiễn

Nhằm thành lập mạng lưới liên kết giữa các trường để hỗ trợ, trao đổi, giúp cộng đồng ngày càng phát triển, tại tọa đàm đã đi đến thống nhất sẽ ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác trong lĩnh vực đào tạo, hội thảo, trao đổi chuyên gia về sở hữu trí tuệ, khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo giữa 4 đơn vị là Viện Sở hữu trí tuệ, Khởi nghiệp và Đổi mới sáng tạo Trường ĐH Luật TPHCM, Sở Khoa học công nghệ TPHCM, Trung tâm phát triển Khoa học và Công nghệ trẻ Thành đoàn TPHCM và Hội sở hữu trí tuệ TPHCM trong thời gian sắp tới.

Trong bối cảnh phát triển hiện nay, đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp đang trở thành xu hướng quan trọng trong các cơ sở giáo dục đại học tại Việt Nam. Mô hình "Đại học khởi nghiệp" không chỉ yêu cầu các trường đại học tập trung vào giảng dạy mà còn phải phát triển tư duy đổi mới và khởi nghiệp cho sinh viên. Trong khi các trường khối kỹ thuật và kinh tế đã tích cực triển khai các hoạt động này, các cơ sở đào tạo thuộc khối xã hội và pháp luật vẫn gặp nhiều khó khăn trong việc áp dụng khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo, qua đó, Tọa đàm đã tạo ra diễn đàn để gợi mở nhiều giải pháp, giúp sinh viên ngành luật khám phá những định hướng phát triển trong khởi nghiệp.

Nguồn: Ban Truyền thông - ULAW